Số liệu được đưa ra tại hội thảo phổ biến hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ do Bộ Y tế vừa tổ chức, qua khảo sát của một số bệnh viện chuyên khoa sản của Việt Nam cho thấy, tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ có xu hướng tăng dần trong những năm qua, khoảng 3 - 4% giai đoạn 2001 - 2004 và tăng đến gần 20% trong năm 2017.
Đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận. Về lâu dài, các thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 và các biến chứng liên quan, đặc biệt là biến chứng tim mạch nhỏ ảnh hưởng đến tim, thận, mắt. Ngoài ra, phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ bị bất thường bẩm sinh tăng gấp 3 lần ở những thai nhi có mẹ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ trước đó mà không được kiểm soát tốt.
Trước tình hình tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ngày càng gia tăng, đồng thời ngăn chặn những nguy cơ, rủi ro do bệnh đái tháo đường gây ra cho phụ nữ, năm 2018, Bộ Y tế đã phối hợp với một số đối tác triển khai chương trình “Phòng ngừa và quản lý đái tháo đường thai kỳ, góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam”. Các hoạt động tập trung vào công tác giáo dục cách thay đổi lối sống cũng như chế độ ăn uống cho những người mắc đái tháo đường thai kỳ; phát triển các hướng dẫn quốc gia về phòng ngừa và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ; nâng cao kiến thức và hiệu quả của đội ngũ nhân viên y tế thông qua đào tạo; phát triển chương trình sàng lọc và chẩn đoán được chuẩn hóa…
Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế Nguyễn Đức Vinh cho biết, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em đã biên soạn “Hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ”, để xây dựng hướng dẫn và chương trình đào tạo cho cán bộ y tế trên toàn quốc. Điều này sẽ góp phần cải thiện toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh chiến lược quốc gia về phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
Duy Tuân (Theo Sở Y tế Hà Nội)